T7. Th12 14th, 2024

Nhạc cụ tự thân vang ở Đông Nam Á

            Trong nhóm này các nhạc cụ được phân thành các nhóm nhỏ khác nhau dựa vào vật liệu chế tác nhạc cụ như:

– Nhạc cụ tự thân vang bằng đồng: Tiêu biểu là Trống đồng, Cồng chiêng.

      Trống đồng không chỉ là nhạc cụ đơn thuần mà Trống đồng còn là di vật lịch sử rất quan trọng cho nền văn hoá Đông Sơn (thời đồ đồng) ở các nước Đông Nam Á.

Cồng chiêng ở Đông Nam Á có nhiều loại khác nhau. Ví dụ như: Có bộ cồng gồm 16 chiếc hình ô trầu đậy nắp, có núm ở giữa, đặt trên giá mây hình tròn, nhạc công ngồi giữa dùng búa gõ. Người Lào, người Thái Lan gọi là Khong Vong; người Campuchia gọi là Khong Thom, Khong Touch; người Mianma gọi là Ky waing (gồm 21 chiếc) …ở các nước Đông Nam Á hải đảo cũng có dàn Cồng tương tự nhưng thường được đặt trên giá gỗ hình chữ nhật, 10 Cồng sắp thành hai hàng như dàn Bonang của Inđônêxia:

(Bonang-Indoneisa)

Riêng ở Việt Nam các dân tộc như: Kinh, Mường, Thái, Tày, Nùng, Vân Kiều, Ê Đê, Gia Rai, Ba Na, Xê Đăng, Mơ Nông vv… đều dùng chiêng với những hình thức tổ chức khác nhau như dùng chiêng lẻ, dùng chiêng kết hợp với trống, dùng chiêng bộ từ 2 chiếc cho tới 20 chiếc. Với chiêng nhỏ thì mỗi người cầm một chiếc. Với chiêng lớn thì phải treo trên giá, trên xà hoặc do hai người khiêng.

 Nhạc cụ tự thân vang bằng gỗ: Những nhạc cụ này được chia làm hai loại: nhạc cụ có cao độ xác định (là nhạc cụ trình diễn ra giai điệu) và nhạc cụ không có cao độ xác định (là nhạc cụ trình diễn ra tiết tấu).

Nhạc cụ có cao độ xác định là loại đàn gõ dùng các thanh gỗ đặt hoặc treo bên trên một thùng đàn bằng gỗ hình chiếc thuyền ví dụ như: Ranat Thum (gồm 17 thanh gỗ) ở Thái Lan, Gabbang ở Philippin, Gambang Kayu ở Jawa- Inđônêxia…

Nhạc cụ không có cao độ nhất định như: Mõ, Phách ở Việt Nam, Kentogan ở Bali-Inđônêxia…

– Nhạc cụ tự thân vang bằng tre nứa: Đây là một trong những loại nhạc cụ với số lượng lớn ở các quốc gia Đông Nam Á do điều kiện tự nhiên của khu vực. Các nhạc cụ làm từ tre nứa tiêu biểu như: T’rưng ở Việt Nam, Pattala ở Mianma, Kenetok ở Thái Lan, Angklung ở Inđônêxia, Baling Bing ở Philippin…

– Nhạc cụ tự thân vang bằng các vật liệu khác: Nhạc cụ chế tác bằng đá như đàn đá, khánh đá ở Việt Nam; mõ sừng trâu ở Việt Nam, Thái Lan; Kèn lá ở Việt Nam, Lào, Thái Lan; từ vỏ quả bầu khô như Krut của người Mạ – Việt Nam…

Có thể nói, so với các nhóm nhạc cụ khác, nhạc cụ tự thân vang ở Đông Nam Á chiếm ưu thế với nhiều loại nhạc cụ được chế tác khác nhau.

Nhạc cụ dây ở Đông Nam Á

Nhạc cụ dây ở Đông Nam Á có đủ cả ba loại: dây gảy, dây kéo và dây gõ.

Chất liệu để làm dây đàn chủ yếu là kim loại (sắt), dây tơ (tơ tằm), dây ni lông. Ngoài ra còn sử dụng dây bằng sợi mây, sợi cật tre…

-Dây gảy như: đàn bầu, đàn Đáy ở Việt Nam; đàn Kachapi, Sitar ở Inđônêxia; đàn Gambus của Malaixia; đàn Cha Kê ở Thái Lan…

(Sitar- Indonesia)      

 – Dây kéo: như đàn Nhị (Cò) ở Việt Nam; Soduang, Sawsam Sai ở Thái Lan; So-u ở Lào; Rebab ở Inđônêxia và Malaixia…

Rebab- Indonesia

– Dây gõ: như Tam thập lục ở Việt Nam…

Nhạc cụ hơi ở Đông Nam Á

Trong nhóm nhạc cụ hơi ở Đông Nam Á có các loại như: Hơi lỗ thổi, hơi dăm, hơi lưỡi gà, hơi môi.

– Hơi lỗ thổi có các loại sáo thổi ngang như: Sáo trúc ở Việt Nam; Khlui ở Thái Lan; Palwei ở Mianma… Các loại sáo thổi dọc như: Tiêu ở Việt Nam; Khloy ở Thái Lan; Phloy ở Campuchia; Suling ở Inđônêxia…

– Hơi dăm (dăm đơn và dăm kép) như: Hnê ở Mianma; Slaray ở Campuchia; Saroenai ở Malaixia; Saroene ở Inđônêxia; kèn Trung, kèn Đại, kèn Bầu, kèn Song hỷ ở Việt Nam; Pinai ở Thái Lan…

– Hơi lưỡi gà có các loại: khèn bè, Pí Pặp, Đinh Năm ở Việt Nam; Khèn ở Lào, Thái Lan…

– Hơi môi có các dạng Tù và bằng ốc biển, sừng trâu… ở Việt Nam, Thái Lan v.v.

Nhạc cụ màng rung ở Đông Nam Á

Đông Nam Á có các loại nhạc cụ gõ có mặt bịt bằng da của trâu, bò, voi, dê…Có thể nói trống mặt da khá phổ biến ở các nước Đông Nam Á.

(kendang – Indonesia)

Trên đây chúng tôi mới điểm qua một vài nét chính về sự phân loại nhạc cụ ở Đông Nam Á. Bài viết này chỉ dừng lại ở việc giới thiệu chứ chưa có sự thống kê đầy đủ số lượng các nhạc cụ. Đồng thời chúng tôi cũng chưa có điều kiện để đi sâu vào những phương diện khác như: nguồn gốc ra đời, kỹ thuật diễn tấu, môi trường trình diễn…Tuy vậy, qua việc giới thiệu nhạc cụ trên sẽ góp phần làm sáng tỏ về văn hoá của cư dân Đông Nam Á đặc biệt là sự sáng tạo nghệ thuật của họ.

 

(Dàn Gamelang – Bali)

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Lê Ngọc Canh, Tô Đông Hải, Nhạc cụ gõ cổ truyền Việt Nam, Viện Văn hoá Dân gian, 1989.
  2. Phạm Đức Dương, Văn hoá Việt Nam trong bối cảnh Đông Nam Á, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 2000.
  3. Nguyễn Bình Định, Giáo trình lịch sử âm nhạc Phương Đông phần Đông Nam Á, Nhạc viên Hà Nội, 2004.
  4. Đinh Gia Khánh, Trên đường tìm hiểu văn hoá dân gian,NXB khoa học xã hội, 1989.
  5. Kos Warnika, Seri Karawitan Gamelan Pelog-Salendro, Permanta Mega 74, Bandung, 2003.
  6. Nguyễn Thuỵ Loan, Lược sử âm nhạc Việt Nam, Nhạc viện Hà Nội, NXB Âm nhạc, Hà Nội, 1993.
  7. Deparment of foreign affairs Republic of Indonesia,Guide Book 2004 Indonesian art and culture scholarship for southwest Pacific dialogue and ASEAN, Jakarta, September 2004.
  8. National information agency Republic of Indonesia, Indonesia 2003 an official handbook, 2003.
Contact Me on Zalo