T3. Th10 8th, 2024

Trống cơm là gì?

Thứ trống nhỏ và dài thường đeo nằm ngang, vỗ vào hai mặt có miết cơm cho thành tiếng.

“Tình bằng có cái trống cơm, khen ai khéo vỗ ấy mấy bông mà nên bông, ấy mấy bông mà nên bông”

Thuở bé, tôi cứ vẫn nghe đi nghe lại những bài hát dân ca quan họ như thế mà vẫn chưa hiểu hết ngọn ngành ý nghĩa của bài hát. Đến khi lớn lên, cứ mỗi lần có dịp hội hè thì bài hát ấy vẫn cứ luôn được chọn trong những màn trình diễn văn nghệ của làng và trường học. Trống Cơm, bài hát như đi vào lòng người của hầu hết những con người mang dòng máu Việt. Không có người Việt nào mà không biết và không hát được một vài câu trong bài hát ấy. Vậy trống cơm là gì và vì sao nó lại dễ đi vào lòng người khiến họ cứ nghêu ngao và thường được hát trong những ngày hội hay những ngày văn nghệ!

 

Theo Wikipedia,Trống Cơm – nhạc cụ thuộc họ màng rung, chi vỗ của dân tộc Việt. Được gọi là “Trống Cơm” vì trước khi sử dụng, nhạc công dùng cơm nóng nghiền nhuyễn gắn vào mặt trống để điều chỉnh độ cao thấp của âm thanh. Thân Trống Cơm có hình ống, hai đầu hơi múp, được làm từ một khúc gỗ khoét rỗng dài khoảng 56 – 60 cm. Đường kính hai mặt khoảng 15 – 17cm, bịt bằng da trâu hoặc da bò, mặt trầm gọi là “mặt thổ”, mặt cao là “mặt kim”. Một hệ thống dây chằng bằng da hoặc mây gọi là dây xạ có tác dụng làm cǎng, trùng hai mặt trống. Là nhạc cụ hòa tấu, được dùng trong nghi lễ phong tục và dàn nhạc chèo, âm thanh trống cơm trầm, vang, hơi đục.Không ai biết trống cơm ra đời từ lúc nào. Chỉ biết các cụ ta thường dùng nó trong những dịp tế lễ thần thánh, những buổi hát chèo, nhất là trong việc đưa tang.

 

Tương truyền rằng, ẩn ý đàng sau cái Trống Cơm là một câu chuyện hết sức cảm động về lòng chung thủy và ân nghĩa mà ở đó thể hiện được tinh thần tương thân tương ái của giòng giống Lạc Việt:

 

Ngày xưa có một nho sinh rất nghèo, thi mãi không đỗ, túng cùng phải đi xin ăn. Hằng ngày, khi sang ngang nhà của một phú hộ thì có một cô bé ở chực sẵn đem cho cơm trắng canh ngon. Công việc đó cứ theo thời gian trôi qua một cách đều đặn. Suốt năm trời như thế, chàng nho sinh vô cùng cảm động nhưng không khỏi ngượng ngùng. Một hôm, chàng tỏ lời cám ơn cô bé và không nhận lãnh của cho nữa. Chàng lại từ giã, đi sang ở làng khác kiếm ăn. Cô bé thực thà cho biết việc làm của cô là vâng theo lời dạy của cô Hai, con gái của chủ nhà mà thôi. Ơn đó là ơn của cô chủ.

Chàng cảm động, yêu cầu xin gặp mặt cô chủ để tỏ lời cám ơn và từ giã. Cô bé ở hẹn lại hôm sau, để xem cô chủ có bằng lòng không, rồi sẽ cho biết. Nếu cô chủ bằng lòng cho gặp mặt thì chàng cứ chờ tại chỗ này.

Hôm sau, chàng vừa đến thì đã gặp ngay cô chủ nhà đứng đợi. Nàng rất đẹp. Chàng nho sinh cúi đầu, chấp tay xá nhưng nàng khoát tay vội nói:

– Tôi đã hiểu ý chàng muốn nói gì rồi. Tôi ở đây lâu rất bất tiện, mà chàng cũng không cần phải nói ân nghĩa gì. Sở dĩ, tôi giúp chàng vì biết chàng lỡ vận và cảm thương người trong bước đường cùng mới ra nông nỗi, không lẽ chí của người con trai chịu cùng nhụt như vậy mãi sao?

Đoạn, nàng trao cho chàng một cái bọc bằng giấy, nói tiếp:

– Nay chàng từ giã đi, tôi xin tặng một số bạc và một cây thoa vàng để chàng tìm cách lập nghiệp. Một ngày nào thành đạt, chàng sẽ trở về quê. Chừng ấy…

Nàng bỏ lửng lời nói, lại quày quả thoăn thoắt đi. Chàng nho sinh vô cùng cảm động.Theo lời người ngọc dặn dò, chàng cần phải tạo lấy một sự nghiệp, nhưng sự nghiệp gì? Chàng không duyên số với đường công hầu danh tướng thì chàng phải chuyển sang nghê khác. Bất cứ nghề gì cũng tốt đẹp cả miễn đừng làm điều gì phi nghĩa. Thế là chàng đeo đuổi môn âm nhạc, một nghệ thuật trong 7 nghệ thuật. (*)

 

Thời gian 3 năm, chàng đã thành tài và lãnh đạo một giáo phường. Chàng hớn hở, vui tươi vội quay về quê xưa mong gặp mặt người ân nhân yêu quý. Nhưng thảm thay, chàng vừa đặt chân về nhà nàng, thì gia đình nàng đương làm đám táng cho nàng. Nàng vừa chết trong một cơn bạo bịnh!

Chàng nhạc sĩ tài hoa vô cùng đau đớn. Chàng muốn đưa đám táng cho nàng. Chàng muốn khóc kể nàng. Chàng muốn để tang cho nàng. Nhưng phải làm sao để mọi người đừng biết việc làm của chàng đối với con người đã khuất? Chàng liền xin cha nàng cho chàng đem phường nhạc của chàng đến để đưa vong linh người chết. Chàng sáng tạo một cái trống nhỏ dài, hai mặt trống có đính hai nắm cơm nhỏ, để nhắc lại kỷ niệm sâu xa cao đẹp là ngày xưa, nàng đã cho cơm chàng ăn. Sợi dây trống đeo lên cổ bằng vải trắng là chàng để tang nàng.

Lúc đưa đám chàng mang trống cơm lên cổ, để trống nằm ngang trước bụng, vận dụng mười ngón tay vỗ trên mặt trống, phát thành tiếng kêu bi ai, tha thiết:

 

– “Tình tang, tang tình! Tình tang, tang tình!…”

Đó là tiếng khóc nỉ non kín đáo của chàng đối với người yêu có một tâm tình cao thượng, thanh khiết. Đó là tiếng nức nở ở cõi lòng của một nghệ sĩ đối với mối tình đầu đã tan vỡ, mà chàng chỉ còn mượn lấy âm thanh của “Trống Cơm” để tiễn vong linh nàng.

 

Còn về ý nghĩa trong lời bài hát Trống Cơm, có thể tìm thấy dưới đây là lời giải thích ý nhị và thỏa đáng nhất:

“Tình bằng có cái trống cơm khen ai khéo vỗ ấy mấy bông nên bông, ấy mấy bông nên bông”

Đó tưởng như là mô tả cảnh đánh trống ở một làng quê Việt nam nào, nhưng ta hãy nhắm mắt lại đừng nhìn mà nghe và nghĩ kỹ thêm:

– Cái trống gì nho nhỏ mà người vỗ vào thì “bông nên bông”?

– Cái thú chơi gì lạ kỳ… cái kiểu khen gì lạ kỳ (khen hay giễu khó biết!)… gọi là chơi trống có được không nhỉ. Có cô bé nào mới lớn đừng có ngây thơ mà ra đình làng xem mấy anh chơi trống mà có ngày “bông nên bông” đấy!

Thế rồi đang từ chơi trống, vác trống… mấy con Sít kia mò mẫm đi đâu? lội sông đi đâu? tìm ai mà phải vất vả thế, mò mẫm thế? Hay là đi tìm cái kẻ ham chơi trống, nhưng giỏi quất ngựa truy phong? Thôi thì cứ tìm đi, tìm đi cho thỏa nỗi “nhớ thương ai”, em đáng thương ạ!

“Tình bằng ấy là con nhện, ố ô,… ố mấy chăng tơ… chăng tơ ấy mấy đi tìm em nhớ thương ai?”

Cái hình tượng con nhện chăng tơ thật quá đắt, các cụ quá giỏi, quá tinh tế. Cái chữ tình đúng là như cái lưới nhện, vừa dính, vừa rắc rối. Cái tơ nhện giăng ra trói bắt con ruồi, nhưng có ai đã từng lặng ngắm cái tơ nhện mong manh trơ trọi trong không trung trước gió, chắc không khỏi cảm thấy có chút cám cảnh…

Cả làn điệu dân ca chốt lại có mấy câu thôi “duyên nợ khách tang bồng”. Đó là cái duyên nợ gì mà đọc lên như thấy phù vân, ảo huyễn của cuộc đời. Dân ca Việt bay bướm, làn điệu ngọt lịm mà ý tứ thẳm sâu. Vừa là hát đùa cho vui, vừa là lời nhắc khéo nhẹ nhàng, nhưng để lại sau một câu ca bay đi là cả nỗi suy tư.

Và…còn nhiều lắm những ý tứ và lời dạy sâu thẳm trong kho tàng văn hóa vật thể của Dân Tộc Việt. Trống cơm, một tác chế của dân tộc mà trong đó còn ẩn chứa những lời dạy, những gửi gắm về một tình yêu và lòng chung thủy.

Ghi Chú:

(*) 7 Nghệ Thuật bao gồm: Văn học, hội họa, điêu khắc, âm nhạc, vũ kịch (khiêu vũ và sân khấu), kiến trúc và điện ảnh. Trong đó chúng ta thường nghe đến nhiều nhất là nghệ thuật thứ 7 có nghĩa là Điện Ảnh.

 

https://www.youtube.com/watch?v=NPSeI_UWWcU

Trống cơm – bài hát vui nhộn

Tình bằng có cái trống cơm,
khen ai khéo vỗ ớ mấy bông mà lên bông,
ớ mấy bông mà lên bông.
Một vầy tang tình con sít,
một vầy tang tình con sít,
ớ mấy lội, lội, lội sông ớ mấy đi tìm em nhớ thương ai.
Ồ con mắt ớ mấy lịm dim,
ồ con mắt ớ mấy lịm dim.
Một vầy tang tình con nhện, ô ố ô ô mấy giăng tơ.
Giăng tơ ớ mấy tơ hồng em nhớ thương ai.
Duyên nợ chớ mấy tang bồng,
duyên nợ chó mấy tang bồng.