T7. Th12 14th, 2024
Có những thời kỳ âm nhạc, dù ngắn ngủi nhưng đi vào lịch sử bởi những giai điệu, những cái tên mang tính thời đại, chưa bao giờ bị coi là “lỗi mốt”. Thời kỳ Disco châu Âu trong thập niên 1980 được coi là “vàng son” của âm nhạc, với nhiều bản nhạc vẫn còn được yêu thích cho đến ngày hôm nay. Modern Talking là một trong những mốc son của thời kỳ ấy. Tuy chỉ tồn tại vài năm ngắn ngủi, họ đã làm nên lịch sử với phong cách âm nhạc đặc trưng riêng – sôi động, cuồng nhiệt nhưng vẫn đủ dịu dàng, ngọt ngào để “đốn tim” khán giả.
13 album với hai lần tan-hợp, Modern Talking trở thành ban nhạc Pop thành công nhất lịch sử âm nhạc nước Đức với trên 120 triệu đĩa hát bán ra khắp toàn cầu. Hình ảnh đôi song ca huyền thoại của Modern Talking cũng trở nên bất hủ như những ca khúc ngọt ngào êm ái của họ. Đến nỗi trong rất nhiều năm về sau, khi mỗi người đi theo hướng riêng và gặt hái không ít thành công trên con đường solo, cả Dieter Bohlen và Thomas Anders vẫn khiến người hâm mộ nhớ tới như một cặp bài trùng không thể thay thế của Modern Talking huyền thoại.
Điểm phân biệt đầu tiên giữa Dieter Bohlen với bất kỳ ca sĩ nào là những ý kiến tranh cãi về anh giữa những người hâm mộ. Người thì khẳng định chàng trai Hamburg tóc vàng này là một tài năng nhạc Pop, người khác lại cho rằng Dieter chỉ là một nhà kinh doanh khôn khéo. Dieter không bao giờ nghi ngờ rằng anh đã kiếm tiền trên nhiều phương diện và phát triển không giống bất cứ ai trên sân khấu âm nhạc Đức nhờ khả năng tinh nhạy về thị hiếu khán giả. Điều đó được chứng minh không chỉ qua những sáng tác của anh cho chính Modern Talking mà còn cho một loạt nghệ sĩ danh tiếng khác như Brigitte Nielsen, C.C. Catch, Leslie Mc Keown, Chris Norman, Dione Warwick…
Khi còn là học sinh, Dieter đã tự học chơi guitar và piano. Sau khi tốt nghiệp trung học, Dieter đăng ký vào khoa Kinh tế xí nghiệp ở Đại học Göttingen. Mục tiêu hướng nghiệp của chàng trai này là trở thành một kỹ sư thiết bị. Trong thời sinh viên, Dieter kiếm tiền bằng cách tham gia vào các ban nhạc, thậm chí anh còn biểu diễn cùng một nhóm nhạc Rock. Dieter còn“dội bom” các nhà xuất bản âm nhạc khi hơn 200 lần thử bán các sáng tác của mình cho họ. Tuy nhiên không lần nào anh thành công.
Tới năm 1979, đúng vào lúc Dieter muốn từ giã tất cả những ước vọng nghệ thuật để vào làm trong hãng của bố mình, anh nhận được lời mời cộng tác từ một nhà xuất bản âm nhạc lớn ở Hamburg. Dieter được nhận vào làm với tư cách là một nhà soạn nhạc và thu thanh. Anh bắt đầu sáng tác cho các siêu sao nhạc nhẹ Đức như Roland Kaiser, Mari Roos và Ricky King.
Tháng 2/1983, một chàng trai bước vào văn phòng của Dieter theo lời mời ghi âm bài hát “Pick up the phone” (Cầm điện thoại lên) của nhà xuất bản. Chàng thanh niên đó tên Bernd Weidung, sinh ngày 1/3/1963, là con trai cưng ngài thị trưởng thành phố Münstermaifeld (CHLB Đức). Anh đến đây với mong muốn thực hiện ước mơ từ thuở thiếu thời: trở thành ca sĩ. Mới nhìn thấy Bernd, Dieter đã bị cuốn hút bởi gương mặt trẻ trung, còn giọng hát của thí sinh này đúng là trời phú. Đôi tai tinh tường của Dieter không tìm ra một khiếm khuyết nào. Hơn nữa, kỹ thuật biểu diễn của chàng trai dễ thương này thuần thục và sinh động như một ca sĩ chuyên nghiệp, dù lúc ấy anh vẫn chưa tròn 20 tuổi… và vẫn chưa mang nghệ danh làm nên huyền thoại trong sự nghiệp ca hát của anh: “Thomas Anders”. Ngoài giọng ca ngọt ngào êm ái, Thomas còn chơi keyboard và piano rất giỏi. Tới nay, Dieter thừa nhận rằng Thomas Anders là ca sĩ tài năng nhất mà anh từng cộng tác.
Từ cuộc gặp gỡ đáng nhớ đó, hai người trở nên thân thiết dù tính tình và sở thích hơi trái ngược nhau. Tuy vậy, phải sau hai năm “cặp kè” và làm việc rất ăn ý, “Giọng ca kỳ diệu” Thomas và “Nhạc sĩ tài ba” Dieter mới chính thức bước chung trên một con đường. Họ trở thành nhân vật chính của huyền thoại nhạc Pop châu Âu – Modern Talking, ban nhạc không chỉ có cái tên thật đẹp và hấp dẫn mà còn ghi dấu ấn bởi những kỷ lục phát hành.
Ngoài việc trình diễn ca khúc, Thomas cũng là người quyết định chủ đề của Modern Talking: “Tình yêu và hòa bình”. Đó là bức thông điệp, là lời chúc tốt đẹp của ban nhạc cho mọi người vì theo Thomas “Không gì có thể thay thế được những âm điệu xuất phát từ trái tim”. Còn Dieter, ngoài việc sáng tác và lo phụ trách âm thanh cùng những buổi biểu diễn, một lần nữa anh đã hoàn chỉnh lại phong cách cho Modern Talking bằng lối hát đệm bè cao, lối hát khiến Modern Talking trở nên độc đáo.
Vinh quang của Modern Talking bắt đầu từ tháng 1/1985 với bài hát đầu tiên – “You’re my heart, you’re my soul”. Ca khúc tiếp theo “You can win if you want” được phát hành vào tháng 5 cùng năm. Đến tháng 9, “Cheri, cheri lady” (Tiểu thư yêu dấu) là ca khúc thứ ba của Modern Talking trở thành quán quân bảng xếp hạng âm nhạc ở châu Âu.
Giữa năm 1987, cũng nhanh chóng và đột ngột như khi ra đời, Modern Talking giải thể. Nguyên nhân là Dieter không thể chịu đựng thêm sự có mặt của “thành viên thứ ba” – Nora, vợ cũ của Thomas. Theo anh thì cô này là một nhân vật đầy khó chịu, luôn can thiệp vào mọi chuyện và nhất là luôn “lôi” Thomas đi vào những lúc Dieter cần tới anh nhất. Còn Thomas thì không nghĩ như vậy. Vốn hiền hậu, anh im lặng và cho Dieter thấy anh rất yêu cô vợ xinh đẹp đầy cá tính của mình. Anh cũng cho rằng Dieter không thể đòi hỏi ở mình một cách quá mức bởi vì nếu như Dieter cảm thấy vui thích khi làm việc trong phòng thu hàng tuần lễ thì đối với Thomas, trừ việc biểu diễn trên sân khấu, chẳng còn gì sung sướng hơn là được ở nhà. Tình cảm không còn sự đồng điệu đã khiến cho cặp bài trùng tuyệt hảo của Modern Talking xoay lưng lại với nhau và Dieter, vốn không bao giờ chịu nhượng bộ, đã đặt dấu chấm hết cho ban nhạc huyền thoại này.
Sau khi rời bỏ “Hoàng tử lãng mạn” Thomas, Dieter thành lập một ban nhạc mới, lấy tên là Blue System, trong đó anh là người phụ trách kiêm ca sĩ chính. Còn Thomas theo đuổi sự nghiệp solo, hướng đến dòng nhạc kén người nghe hơn như jazz, soul… Anh thậm chí còn phát hành một album bằng tiếng Tây Ban Nha và tiếp tục lưu diễn khắp thế giới.
Năm 1998, Modern Talking lại bất ngờ tái xuất trong niềm hân hoan vô bờ của giới hâm mộ. Sau 11 năm, hai chàng ca sĩ với mái tóc dài quyến rũ và phong cách lãng tử điển hình thời thập niên 1980 nay đã trở thành những “quý ông” lịch lãm, nhưng giọng hát và lối trình diễn càng trở nên sôi động trẻ trung hơn bao giờ hết. Gạch nối giữa hai nửa sự nghiệp – mỗi nửa gồm 6 album – chính là “Back for Good”, một đĩa nhạc gồm những bài hát hay nhất giai đoạn 1985-1987 của Modern Talking được phối khí lại, hiện đại hơn, thời thượng hơn, kèm theo 4 ca khúc mới như một lời khẳng định về sức sống và sức trẻ của ban nhạc trước tương lai. Dẫu rằng 5 năm sau, Modern Talking lại một lần nữa chia tay nhưng âm hưởng Modern Talking trong những sáng tác riêng của Thomas Anders, cũng như những ca khúc đi cùng năm tháng và tuổi thơ của rất nhiều thế hệ yêu nhạc Modern Talking, vẫn lắng đọng mãi mãi và thu hút sự chú ý của đông đảo khán giả.
 
Contact Me on Zalo