Nhạc cụ tre nứa ở Việt Nam
Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc (54 dân tộc). Việt Nam cũng là nơi hội tụ đủ các bộ tộc thuộc tất cả các dòng ngôn ngữ của Đông Nam Á. Địa hình Việt Nam trải dài trên bán đảo Đông Dương nên một bên là biển, một bên là núi và giữa là đồng bằng châu thổ. Vì vậy, nước ta chính là một Đông Nam Á thu nhỏ, rất đúng với câu nói “thống nhất trong đa dạng” của người Inđônêxia.
Ở Việt Nam cây tre đã đi vào lịch sử, huyền thoại. Hầu như dân tộc nào trên dải đất Việt Nam cũng biết sử dụng tre nứa trong đời sống sinh hoạt, đồng thời nhiều dân tộc đã sử dụng tre nứa với tư cách là một nhạc cụ. Theo GS.TSKH. Tô Ngọc Thanh thì hệ thống nhạc cụ Việt Nam được chia thành ba tầng văn hoá. Trong đó cổ xưa nhất là tầng văn hoá tiền Đông Sơn với các nhạc cụ làm từ tre nứa.
Nhạc cụ tre nứa ở Việt Nam gồm có các loại như sau
– Sử dụng tre nứa làm nhạc cụ hơi thổi gồm có: Sáo trúc (còn gọi là sáo ngang), Tiêu (sáo dọc) của người Kinh; Sáo H’mông (sáo Mèo), Kềnh (khèn Mèo) của người H’mông; Đinh Năm của người Tây Nguyên; Khèn Bè của người Thái, Chiêng, Gié…
– Nhạc cụ hơi lùa tiêu biểu có K’lông Put của người Tây nguyên.
– Nhạc cụ hơi vỗ có Tăng-bu của người Thái, người Kh’mú ở Tây Bắc; Tăng bản của người Xá Tây Bắc; Chàm ống (đâm ống) của người Mường; ống Cắc Cùng (ống Bương hay ống Cắc) của người Cao Lan…
– Nhạc cụ gõ tre nứa tiêu biểu là đàn T’rưng của Tây Nguyên; đàn Đé (Deh) của người Ba Na, Ka Doong; Sứa của người Việt ở miền Trung.
Ngoài ra còn có nhạc cụ tạo ra âm thanh nhờ sức gió thổi như Ching Kial của người Ba Na, Xê Đăng, Gia Rai. Nhạc cụ nhờ sức nước như Khinh Khung của người Ba Na, Gia Rai.v.v.
Nhạc cụ tre nứa ở Việt Nam ngoài chức năng là một nhạc cụ để diễn tấu độc lập nó còn được sử dụng kết hợp với các loại hình nghệ thuật dân gian khác như kết hợp với múa, kết hợp với hát; hay để phục vụ việc trồng trọt xua đuổi thú dữ …