T5. Th11 21st, 2024

Những đặc sắc trong phong cách Chèo

Khi nói đến những loại hình nghệ thuật đặc trưng của người miền Bắc, chúng ta không thể không nhắc tới Chèo – một sản phẩm nghệ thuật sân khấu miền Bắc Việt Nam.
Âm nhạc trong Chèo giữ một vị trí đặc biệt, nó là một thủ pháp quan trọng nhất để biểu hiện tính cách nhân vật, tâm tư, sự việc và tạo kịch tính. Nó cũng có chủ đề và đối chọi chủ đề âm nhạc cho từng vở và từng nhân vật. Chủ đề âm nhạc trong dàn nhạc Chèo cổ truyền là do nhiều ca khúc mang tính cách chung của từng nhân vật nhưng được biểu hiện bằng nhiều khía cạnh không phải chỉ có một nét nhạc chủ đề cố định được nhắc đi nhắc lại và có sự phát triển bằng cách biến tấu hay mô phỏng. Nói một cách khác, tính ngẫu hứng, ứng tấu dựa trên mô hình làn điệu là một thủ pháp đặc trưng nhất trong phong cách diễn tấu của nghệ thuật Chèo.
Cứ theo truyền thống nhà nghề thì phần phụ họa các điệu hát Chèo cổ thì chỉ dùng tới bốn thứ nhạc khí là trống đế, thanh la, mõ và trống cơm. Về sau, chịu ảnh hưởng của phong trào “Tuồng hóa” và trong thời kỳ “Cải lương”, nhiều ban Chèo mới đưa vào những thứ đàn Nhị, đàn Bầu, Sáo vv… Khi một làn điệu được hát lên, từng cây đàn với tiếng nói riêng của mình hòa theo vừa như đỡ giọng lại vừa như khắc họa và nhấn rõ thêm cái cảm giác vui buồn tiềm ẩn trong mỗi giai điệu của bài
hát.


Trong khi biểu diễn mỗi nhạc công là một chủ thể sáng tạo không ai giống ai.
Tùy theo tính năng và âm sắc của mỗi cây đàn mà người đàn trước kẻ đàn sau, quan trọng nhất là dựa vào tiết tấu và lòng bản chính của làn điệu mà mỗi cây đàn tự ngẫu hứng theo cách riêng của mình. Toàn bộ âm thanh có lúc được vang lên đồng
nhất có lúc được chia thành từng mảng bè giai điệu đan xen với bè gảy rồi lại được vang lên trong tiết tấu của bè lưu không.
Cũng giống như các dàn nhạc truyền thống khác, nghệ thuật ứng tấu, tính ngẫu hứng đã sản sinh ra phương thức đánh tòng. Nó đã trở thành một phương pháp hòa đàn truyền thống một cách độc đáo không chỉ dành riêng cho mảnh đất Chèo.
Phương thức đánh tòng mang tính ngẫu hứng này đã tạo nên một vẻ đẹp nguyên sơ mà không dễ gì một tác phẩm phối khí mới nào có thể đạt tới được. Và một việc tưởng chừng như đơn giản để phát huy tối đa nghệ thuật diễn tấu này đòi hỏi người
chơi đàn phải giỏi về kỹ thuật để làm chủ cây đàn, phải am hiểu và ngấm được “cái
hồn” của nhạc Chèo.
Theo những nhà nghiên cứu thì Chèo cổ ở Việt Nam xuất hiện tương đối sớm từ thế kỷ XIV. Có khoảng 170 làn điệu Chèo khác nhau được chia thành nhiều hệ thống như hát Sắp, hát Hề, hát Sử, Đường Trường, hát Văn… và một số bài bản
lẻ không nằm trong hệ thống nào. Căn cứ vào tính chất âm nhạc của các hệ thống làn điệu đó, chúng ta có thể chia thành hai loại sắc thái tình cảm chính: vui, buồn.
– Hơi Bắc: Gồm những bài mang tính chất âm nhạc vui vẻ, sôi nổi, hoạt bát như: hát Sắp, hát Hề…
– Hơi Nam: Gồm những bài mang tính chất âm nhạc buồn thương, ai oán như: hát Vỉa, Ngâm, hát Văn, hát Trữ tình…
https://www.youtube.com/watch?v=0RCbRrrnQtQ

Contact Me on Zalo