T2. Th12 30th, 2024

Hầu như mọi người đều biết, không ít những bản tình ca của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thường được anh sáng tác từ những cảm xúc dành riêng cho một đối tượng trong đời sống tình cảm đầy lãng mạn của mình. Trong số đó, “Hoa Vàng Mấy Độ” và “Như Một Lần Chia Tay”, cho đến nay vẫn được nhiều người yêu thích nhạc Trịnh tìm hiểu về xuất xứ.

Hơn 3 năm sau khi Trịnh Công Sơn qua đời, những thắc mắc về hai nhạc phẩm trên đã được giải đáp rõ ràng khi CD “Hoa Vàng Một Thuở” được chính thức ra mắt tại Toronto cách đây vài tháng. Người trình bày hai nhạc phẩm này (cùng một số nhạc phẩm của những tác giả khác) cũng là người thực hiện CD “Hoa Vàng Một Thuở” mang tên Hoàng Lan. Cô chính là nguồn cảm hứng để Trịnh Công Sơn viết thành hai ca khúc tình cảm bất hủ đó.

Phạm Thị Hoàng Lan sinh tại Sài Gòn và là con út trong một gia đình gồm 6 người con, trong số có một người mất sớm.

Thời kỳ thơ ấu, Hoàng Lan được cặp nghệ sĩ nổi danh Kiều Hạnh – Phạm Đình Sỹ nhận làm con nuôi, ở chung trong một căn nhà trên đường Bùi Thị Xuân. Trong khi đó mẹ cô – bạn thân của nghệ sĩ Kiều Hạnh – thường đi lại giữa Sài Gòn và Đà Lạt lo việc đầu tư nhà đất.

Năm lên 7, Hoàng Lan đã đi hát với gia đình ban nhi đồng Tuổi Xanh của Kiều Hạnh và Phạm Đình Sỹ với tên Tí Hon, cũng là tên gọi ở nhà. Trong một thời gian khá dài, cô đã cùng với ban Tuổi Xanh hát trong các chương trình Phát Thanh Học Đường trên đài Sài Gòn và trong các buổi phát thanh dành cho thiếu nhi trên đài Quân Đội.

Nhờ có năng khiếu văn nghệ cùng một gương mặt xinh xắn mang những nét hồn nhiên, khi mới được 9 tuổi vào năm 1969, Hoàng Lan được mời đóng vai chính trong phim “Đôi Guốc Của Bé” do Minh Đăng Khánh đạo diễn cùng với Sĩ Phú, Linh Sơn, Hoàng Long.

Nhưng rất tiếc, cuốn phim này bị cấm nên đã không có dịp trình chiếu trước khán giả, ngoài một buổi ra mắt giới báo chí. Cũng với tên Tí Hon, cô đã được mời giữ một vai phụ trong phim “Như Giọt Sương Khuya” với Trần Quang và Bạch Tuyết, do Bùi Sơn Duân đạo diễn.

Sau biến cố tháng 4 năm 75, cô được mời đóng vai chính trong phim “Tiếng Đàn”. Tuy từng hoạt động về ca nhạc và điện ảnh từ khi còn nhỏ, nhưng “thật ra em không thích ca hát hay đóng phim. Đúng ra em bị bắt làm như vậy trong thời gian ở với gia đình Kiều Hạnh, tuy là một gia đình văn nghệ nhưng rất khó và nề nếp”, như lời Hoàng Lan tâm sự. Trong khi đó cô lại ưa thích nhất bộ môn múa, nhưng không được sự đồng ý của mẹ.

Tuy nhiên vì quá ham thích múa nên cuối cùng Hoàng Lan đã thuyết phục được mẹ để thi vào ngành múa chuyên nghiệp tại trường Quốc Gia Âm Nhạc, sau khi học đến lớp 10 trường Trưng Vương vào năm 75. Năm 80, cô ra trường và đi dạy tại trường Văn Hoá Thành Phố trong 2 năm liên tiếp.

Năm 85, Hoàng Lan cùng chồng vượt biên và sau đó được vào Canada. Đầu tiên, gia đình cô cư ngụ tại thành phố Hamilton, gần Toronto trong 3 năm trước khi dời về Sonny Creek để sống ở đây 10 năm. Cuối cùng, vợ chồng cô và 2 con gái về cư ngụ ở Burlington cho đến nay.

Trong hơn 10 năm đầu tiên sống ở Canada, Hoàng Lan không có một hoạt động văn nghệ nào, cho đến năm 1996. Trong dịp tham dự buổi tiệc khánh thành văn phòng luật sư của một người bà con, cô gặp một người trong Hội Phụ Nữ Toronto và được mời tham gia vào những sinh hoạt văn nghệ của Hội Cựu Học Sinh Trưng Vương.

Hoàng Lan nhận lời và từ đó dần dần trở thành một khuôn mặt quen thuộc trong những sinh hoạt có tính cách cộng đồng. Ngoài ca hát, cô còn là người hướng dẫn về múa cho một số hội đoàn ở Toronto cũng như là người điều khiển chương trình cho nhiều buổi văn nghệ và là một MC quen thuộc trên chương trình Truyền Hình ở Toronto do Việt Tiến thực hiện từ năm 1999.

Hoàng Lan không nuôi tham vọng trở thành một ca sĩ nghà nghề. Một điều chắc chắn nữa là cô thực hiện CD “Hoa Vàng Một Thuở” không nằm trong mục đích thương mại mà chỉ coi như một kỷ niệm cho chính mình. Đó cũng là một kỷ niệm khó mờ nhạt trong trí tưởng của cô đối với người cố nhạc sĩ tài danh Trịnh Công Sơn, người đã viết tặng cô hai nhạc phẩm đặc sắc “Như Một Lời Chia Tay” và “ Hoa Vàng Một Thuở”. Nhạc phẩm sau được mọi người biết dưới tên “Hoa Vàng Mấy Độ”.

Trịnh Công Sơn cũng là người có những liên hệ tình cảm đậm đà với Hoàng Lan và từng có ý định cùng cô chung sống. Chính người em rể của Trịnh Công Sơn là Hoàng Tạ Thích đã xác nhận sự liên hệ giữa Trịnh Công Sơn và Hoàng Lan trong một bài viết đăng trên nguyệt san “Người Đẹp Việt Nam” gồm hai số 115 và 116 nhập một, phát hành tại Việt Nam, đề ngày 1 và 15 tháng 1 năm 2004:

“… Đoá hoa vàng đã nhập vào hồn làm anh ngây ngất. Nhân ngày sinh nhật của Hoàng Lan, anh đã nhờ người đem đến tặng nàng 21 cánh hoa hồng vàng…” Yêu em một đoá hoa vàng. Yêu em một phút Hoàng Lan tình cờ…”Hoa Vàng Mấy Độ” viết cho Hoàng Lan năm 1981, nguyên bản là “Một Thuở Hoa Vàng” (Đúng ra là “Hoa Vàng Một Thuở”, theo thủ bút của Trịnh Công Sơn )…

Người em rể và cũng là người rất thân với Trịnh Công Sơn viết tiếp trong một đoạn khác:

“Hồi đó anh đã tuổi 40. Nếu quả thật anh đã mệt mỏi đôi chân muốn tìm một nơi ngơi nghỉ thì người con gái này cũng sẽ có thể là người bạn đời của anh. Nhưng rồi cuộc tình cũng trôi qua. Không vì một phụ rẫy. Không vì một nhạt phai. Chỉ vì, anh là Trịnh Công Sơn. Và những ngày ở Canada, anh đã gặp lại Hoàng Lan ở Toronto (thật ra là Montreal, theo Hoàng Lan). Dĩ nhiên cánh Hoàng Lan bây giờ đã được cắm vào một chiếc bình yên ấm. Nhưng vẫn nghe như ‘Em cười đâu đó, trong lòng phố xá đông vui… một vết thương thôi, riêng cho một người’”…

Lý do sự ra đời của “Hoa Vàng Một Thuở” cũng đã được Hoàng Lan xác nhận cùng với hình chụp nguyên bản nhạc phẩm này trên CD mang cùng tên của cô với lời đề tặng: “Viết cho sinh nhật Hoàng Lan 25.4.1981” và chữ ký của Trịnh Công Sơn: “Trịnh Công Sơn 08.04.1981”.

Trước đó, những người yêu nhạc Trịnh thường tỏ ra thắt mắc về nguồn gốc của “Hoa Vàng Mấy Độ” với nhiều nghi vấn về đối tượng đã tạo cho Trịnh Công Sơn nguồn cảm xúc để viết thành nhạc phẩm này. Bây giờ, mọi thắc mắc và nghi vấn đó đã được giải đáp.

Hoàng Lan quen Trịnh Công Sơn vào năm 1980, khi cô hướng dẫn về múa tại Sở Văn Hoá trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (Hồng Thập Tự cũ). Thời gian này, Trịnh Công Sơn phục vụ tại Hội Nghệ Sĩ Thành Phố trong phạm vi âm nhạc, do đó thường hay qua Sở Văn Hoá để in hoặc xin kiểm duyệt nhạc.

Thỉnh thoảng hai người cùng các nhân viên của hai cơ quan trên vẫn đi công tác chung. Lần đầu tiên Hoàng Lan gặp Trịnh Công Sơn trong chuyến công tác văn nghệ ở bệnh viện Sùng Chính. Thật ra trước đó vào khoảng giữa thập niên 60, Trịnh Công Sơn từng nhiều lần đến nhà Hoàng Lan trên đường Cao Thắng chơi cùng với một người bạn của chị cô.

Sau khi người bạn này qua đời, Trịnh Công Sơn cũng vẫn thỉnh thoảng đến thăm mẹ cô do sự tương đắc trong tinh thần văn nghệ. Thời gian này, Hoàng Lan còn là một cô bé con, tuy biết Trịnh Công Sơn là một người nổi tiếng nhưng cô chẳng mấy để ý.

Lần gặp lại trong chuyến cùng đi công tác đầu tiên vào năm 80, Trịnh Công Sơn không nhận ra cô, cho đến khi được nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu nhắc nhở. Sau công tác, Trịnh Công Sơn mời Hoàng Lan về nhà anh trên đường Duy Tân, nơi ra vào tấp nập những khách khứa, bạn bè của người nhạc sĩ lừng danh.

Cô thiếu nữ Hoàng Lan từ đó đã khám phá thêm được một thế giới mới lạ, sau khi đến ngôi nhà này nhiều lần cũng như từng được Trịnh Công Sơn đến nhà chở đi ăn sáng hay trưa trên chiếc xe PC mầu cam quen thuộc của anh. Hoàng Lan và Trịnh Công Sơn càng lúc càng tỏ ra gần gũi hơn.

Hai người gặp nhau gần như hàng ngày, khi cùng đi ăn trưa, khi đi uống nước sau khi tan sở tại những địa điểm quen thuộc như Brodard hoặc Givral. Tuy gần gũi như vậy, nhưng cả hai chẳng ai thổ lộ về tình cảm của mình.

Nhưng riêng phần Hoàng Lan, cô cho biết “thật sự lúc đó em không có nghĩ gì hết, em buồn em đi thôi. Đi, nhưng anh ấy không nói chuyện. Tính anh Sơn thì anh ấy ít nói lắm, không nói gì nhiều”

Tình cảm giữa hai người cứ lãng đãng và vu vơ như vậy cho đến “một lúc em có cảm giác là chuyện này nó cũng không rõ ràng là cái gì. Lúc đó em cũng chuẩn bị đi. Nên chiều hôm đó gặp anh ấy, em nói thôi ngày mai đừng đón em nữa, em không lên đây nữa đâu. Anh ấy hút thuốc một hồi dòi hỏi ‘bộ em chán rồi hả?’ Em bảo em không có chán nhưng mà thấy chuyện này không đi tới đâu và không rõ ràng”.

Hoàng Lan nhận thấy giữa cô và Trịnh Công Sơn có con đường đi riêng rẽ. Thời kỳ này cô đang tìm đường vượt biên, trong khi tin rằng Trịnh Công Sơn chắc chắn sẽ ở lại.

Nhưng khi trình bầy với Trịnh Công Sơn ý nghĩ của mình, Hoàng Lan được anh cho biết nếu cô lấy lý do đó để cắt đứt liên hệ giữa hai người thì không đúng. Vì cả gia đình anh lúc đó đang được cô em Trịnh Vĩnh Trinh đứng ra làm thủ tục bảo lãnh.

Hoàng Lan tìm cách thoái thác khi Trịnh Công Sơn muốn thật sự đi xa hơn với cô. Cô cho rằng anh là người của quần chúng, nếu xẩy ra tình trạng như vậy sẽ mất đi hình ảnh đẹp với những người ái mộ.

Theo Hoàng Lan, nhạc sĩ họ Trịnh đã nói trong đời sống cũng đến lúc nào phải trở lại với con người thật của chính mình. Hoàng Lan còn cho anh biết tính thân mẫu cô rất rườm rà nên nếu tổ chức đám cưới sẽ phải tuân theo nhiều thủ tục trong khi Trịnh Công Sơn vốn không ưa những sự rình rang, bề ngoài. Hơn nữa, ít ra anh còn phải mặc ”complet” là điều Trịnh Công Sơn rất ghét.

Nhưng Trịnh Công Sơn trả lời anh làm được, miễn cho Hoàng Lan và thân mẫu cô được vui lòng. Tuy là một người của đám đông, nhưng Trịnh Công Sơn luôn muốn có một đời sống bình thường, có vợ, có con mà không phải là một người “khác thường” như nhiều người nghĩ. Hoàng Lan khuyên anh cứ sống thoải mái như từng sống, không nên lệ thuộc vào một người là điều không đáng cho anh đánh đổi.

Nhiều khi tự hỏi lòng mình về tình cảm đối với Trịnh Công Sơn, Hoàng Lan nhận ra rõ ràng một điều là cô chỉ “Thương” nhưng không “Yêu” người nhạc sĩ họ Trịnh. Cô không dám nói thẳng điều này với Sơn vì sợ sẽ khiến anh đau khổ. Trịnh Công Sơn không hề biết Hoàng Lan vẫn luôn hướng tình cảm về mối tình đầu của cô, từng ngỏ lời cầu hôn với nhưng không được thân mẫu cô chấp thuận.

Có lần, vào khoảng đầu năm 81, Trịnh Công Sơn bị đụng xe nặng khi từ nhà Hoàng Lan trở về. Cô và mẹ đến thăm anh tại nhà sau khi Trịnh Công Sơn được đưa về từ bệnh viện. Hoàng Lan xúc động đến bật khóc. Nhưng Trịnh Công Sơn lên tiếng: “Em đi về đi, anh không thích những giọt nước mắt thương hại như vậy”, theo lời Hoàng Lan kể.

Cô tâm sự cảm thấy mình tội lỗi khi đã giải quyết một cách dứt khoát, dù rất đau lòng… Nhưng thật ra, đối với cô, nếu tiếp tục sự liên hệ tình cảm như trước cũng sẽ chẳng đi đến đâu. Tất cả đến từ sự gắn bó của Hoàng Lan với mối tình đầu của mình. Nên cô chỉ muốn ra đi với mục đích gặp lại người đã mang đến cho cô nhiều rung động, khác hẳn với những rung động của cô với Trịnh Công Sơn.

Nhưng sự tuyên bố dứt khoát của Hoàng Lan với Trịnh Công Sơn không được anh coi là chín chắn nên vẫn tới sở làm đón như trước. Nhưng cô tìm đủ mọi cách để tránh. Những lần Trịnh Công Sơn đến nhà chờ cô đi làm về, khi gần đến nhà nhìn thấy chiếc xe mầu cam quen thuộc là Hoàng Lan phải chạy xe vòng ngoài phố cho đến khi biết anh đã ra về.

Tuy không còn gặp gỡ riêng tư như trước, nhưng Hoàng Lan và Trịnh Công Sơn vẫn thường gặp nhau trong những lần công tác. Thời gian này cô nhận thấy Trịnh Công Sơn có vẻ buồn và uống rượu nhiều. Anh còn viết thư cho thân mẫu Hoàng Lan, có ý trách móc cô.

Những thư này mẹ cô vẫn còn giữ, trong khi cô đã đốt hết những thư Sơn viết cho cô trước khi lập gia đình. Hoàng Lan cũng trả lại Trịnh Công Sơn tất cả những món kỷ niệm cùng hai cây đàn guitars do anh tặng, chỉ giữ lại một bộ giây đàn.

Cũng thời gian này vào dịp sinh nhật Hoàng Lan năm 81, Trịnh Công Sơn tặng cô một quần nhung, một áo pull mầu hồng, một thắt lưng bằng vải bố và một số nước hoa. Anh cùng với Thanh Hải – người thường trình bày nhạc phẩm của anh, hiện sống ở Âu Châu – mang quà tặng đến nhà cô cùng với hai nhạc phẩm “ Hoa Vàng Một Thuở ” và “Như Một Lời Chia Tay”, được buộc một sợi “ruban” rất đẹp.

Một bó hồng mầu vàng – tượng trưng cho lòng không chung thủy – đã được giao đến nhà Hoàng Lan từ sáng sớm. Thanh Hải đã cất tiếng hát hai nhạc phẩm này trong buổi tiệc sinh nhật của Hoàng Lan, trong khi Trịnh Công Sơn ngồi buồn rầu bên cạnh ly rượu không lúc nào vơi.

Khi hỏi Trịnh Công Sơn về ý nghĩa câu “làm sao biết được nỗi đời riêng” trong nhạc phẩm “Như Một Lời Chia Tay”, Hoàng Lan được anh cho biết nếu hồi đó cô nói với anh là muốn rời Việt Nam thì chuyện tình cảm giữa hai người đã khác. Ý anh muốn nói không biết Hoàng Lan có ý định muốn đi, tuy vẫn thường cùng nhau đi chơi gần như hàng ngày. Nếu biết được cô muốn như vậy, anh cũng sẽ quyết định không ở lại Việt Nam.

Lễ đính hôn của Hoàng Lan được tổ chức vào tháng 11 năm 1982. Và tiệc thành hôn với người cùng chung sống với cô tên Hoà hiện nay, được tổ chức một tháng sau. Khi trao thiệp đính hôn cho Trịnh Công Sơn, anh hỏi cô: ”Lần này là thôi thật phải không Lan?”. Cô trả lời “hy vọng là như vậy!”. Trịnh Công Sơn đã không có mặt trong tiệc cưới của cô vào tháng 12 năm 1982, do thiệp mời gửi chung với các người khác tại cùng cơ quan của Trịnh Công Sơn bị thất lạc.

Gần 10 năm sau, đoá “Hoa Vàng Một Thuở” của Trịnh Công Sơn mới gặp lại anh tại Montreal, Canada khi anh qua thành phố này thăm những người em thân thiết của mình vào đầu năm 1992. Ngay khi mới đến nơi, Trịnh Công Sơn đã gọi điện thoại cho Hoàng Lan ở Burlington, Ontario nhưng không gặp.

Mãi đến tháng 7 cùng năm, cô mới có dịp lên Montreal gặp anh tại nhà hàng “La Famille Vietnamienne” do gia đình anh khai thác ở thành phố này. Trịnh Công Sơn đề nghị vẽ tặng cô một bức chân dung, nhưng hoàn cảnh không cho phép nên cô đã từ chối, để “bây giờ nghĩ lại, thấy tiếc” mặc dù khi gặp lại cũng thất rất “bùi ngùi”, như Hoàng Lan tâm sự.

Và đúng như người em rể của Trịnh Công Sơn đã viết: “dĩ nhiên cánh Hoàng Lan bây giờ đã được cắm vào một chiếc bình yên ấm. Nhưng vẫn nghe như “em cười đâu đó, trong lòng phố xá đông vui.. .một vết thương thôi, riêng cho một người”…

Contact Me on Zalo